Social Justice, Vietnam
Ô nhiễm môi trường: không chỉ là vấn đề của thiên nhiên
Sau hai ngày học lý thuyết vô cùng nặng với Thầy Christian Schmidt (29-30.10.2021), lớp Marx Autumn School chúng tôi cùng hàng trăm khán giả trên toàn thế giới cùng tham dự hội thảo Mine, Forest, Dam – Liberation of a Nature that became Prey: Activists in Exchange about their Struggles and Practices (tạm dịch Hầm mỏ, rừng già, đập nước - Sự giải phóng của một Thiên nhiên đã trở thành Con mồi: Các nhà hoạt động xã hội trao đổi về cuộc đấu tranh và kinh nghiệm) được tổ chức bởi Rosa-Luxemburg-Stiftung. Hội thảo giống như một lời tổng kết ý nghĩa, và một lời mời chào chúng tôi đối diện trực tiếp với “sự khó” trong cả suy tư và thực hành. Những tiêu cực thực tế xảy ra với cả Thiên nhiên và con người trên thế giới đã vượt xa khỏi khả năng diễn giải của một hệ thống lý thuyết ra đời từ thế kỷ 19.
Từ quan điểm và kinh nghiệm của các nhà hoạt động xã hội Mikuláš Černik (Cộng hoà Séc), Jakeline Romero Epiayú (Colombia), Catalina Caro Galvis (Colombia), John Malamatinas (Hy Lạp), Florian Özcan & Robin Rosswog (Đức) và một nhóm hoạt động môi trường ở Pháp, chúng tôi nhận thấy những vấn đề xảy ra trên thế giới không đơn thuần chỉ nằm trong lãnh địa diễn giải về bóc lột thiên nhiên và giai cấp, nó còn là vấn đề về quan hệ giữa các quốc gia, các sắc tộc, chủng tộc, và bất bình đẳng giới, mà trong giới khoa học xã hội và nhân văn gọi là giao thoa (intersectionality).
Hiểu một cách đơn giản nhất, nói về vấn đề tài nguyên, chúng ta hay nghĩ đến việc thay thế năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo để giảm thiểu số lượng CO2 thải vào không khí. Truyền thông vẽ cho chúng ta những giấc mơ về xe điện, pin mặt trời và những cánh đồng điện gió; họ nói với ta rằng chinh phục hệ mặt trời bằng năng lượng “sạch” là tương lai “cấp tiến”, “phát triển” ta nên nghĩ về. Thực tế là khi những trung tâm của sự phát triển, những nơi đã đạt đến “điểm cáo chung của lịch sử (the end of history)” theo lời của G. W. F. Hegel cố gắng hạn chế khai thác khoáng sản và xử lý rác thải hạt nhân nội địa, các doanh nghiệp tư bản của họ sẽ làm những việc đó ở các quốc gia ngập nợ công và các quốc gia chìm trong khủng hoảng Hậu Xô Viết. Còn tài nguyên để sản xuất pin mặt trời và linh kiện điện tử của tương lai sẽ được lấy từ đâu? Không quá khó hiểu, một vài tỷ phú của các nước thuộc thế giới thứ ba, vừa có khả năng bắt tay với chính quyền và doanh nghiệp, sẵn sàng đục mũi khoan tới tận địa ngục nếu ở dưới đó có Cobalt, và san phẳng bất cứ tài sản tổ nghiệp nào của người dân tộc thiểu số. Trong một nền kinh tế-chính trị-văn hoá đầy bấp bênh, bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ở quy mô nhỏ ắt sẽ diễn ra.
Khi thảm họa môi trường diễn ra, không chỉ mình thiên nhiên cảm thấy đau khổ. Con người, với sự tham lam và những giải pháp vá lỗi không đến nơi đến chốn của mình, cũng áp bức lẫn nhau một cách có hệ thống. Xâu chuỗi 5 bức tranh từ 5 quốc gia khác nhau trên thế giới, tôi thấy hình vẻ của một thứ chủ nghĩa thực dân mới đội lốt các giá trị nhân văn và tiến bộ. Điều khủng khiếp là, chúng ta không thể nhìn thứ chủ nghĩa này với hình hài của những khuôn mặt và những dáng dấp cụ thể. Vì tư bản không có khuôn mặt, không có bản sắc.
1. Phương Tây như một ý thức hệ
“Phương Tây” hay được dùng như một con dê tế thần ám chỉ nguồn gốc của chủ nghĩa thuộc địa. Nhưng với những gì thực tế đã diễn ra thì “Phương Tây” này hoàn toàn không trùng khớp với một thực thể địa lý. Hy Lạp là một quốc gia châu Âu, nhưng luôn bị đặt ở chiếu dưới so với những đầu tàu kinh tế ở Tây Âu do ngập trong nợ nần. Khối Đông Âu cựu Xã hội Chủ nghĩa mà Czech là một phần cũng chỉ được coi như sân sau của các nước giàu có. Quá trình thuộc địa hoá xảy ra ở chính châu Âu. Vì thế châu Âu về mặt địa lý không thể được coi như trùng khớp với phương Tây. Với Dipesh Chakrabarty (2000), châu Âu cần phải được “vùng miền hoá (provincialized)”. Không bao giờ có một vùng đất địa lý "khai sáng", toàn vẹn về lãnh thổ từ ngàn xưa, với dòng thời gian thế tục chảy đồng nhất như khối khoa học xã hội vẫn giả định. Châu Âu tồn tại rời rạc với những phân tầng phức tạp hơn ta tưởng.
Còn phương Tây thì cần phải được hiểu như một ý thức hệ. Với Gamble (2009), ý thức hệ phương Tây (the Western ideology) là tập hợp của nền dân chủ thị trường (market democracy) và chủ nghĩa khai phóng (liberalism), của chủ nghĩa tư bản phổ quát (universalized capitalism) và sự tự do lựa chọn (freedom of choice) như một thứ bản chất con người mà Francis Fukuyama đã thoả sức reo hò và ca ngợi khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991. Ẩn chứa đằng sau những lời ca ngợi có cánh của Fukuyama về sự vĩ đại của ý thức hệ phương Tây là tư duy tiến hoá luận đơn tuyến (linear evolutionism), trong đó cho rằng xã hội loài người chỉ có một hướng phát triển duy nhất, từ mô hình bộ lạc mông muội với tín điều tôn giáo và sự sùng bái cá nhân, đến nền dân chủ tư sản với sự điều tiết xã hội bởi bàn tay vô hình của thị trường. Đối với tôi, sùng bái Stalin và sùng bái chủ nghĩa tư bản chẳng khác nhau ở điểm nào. Chẳng qua là chủ nghĩa độc tài đã được “rebrand” thành một mâm buffet với các món được tất định trước bởi tầng lớp tinh hoa.
Với những hứa hẹn như rót mật vào tai của ý thức hệ phương Tây, chúng ta mơ đến một nền dân chủ vĩnh hằng trong đó phép tính phức tạp nhất mà con người phải thực hiện là uống Coca hay Pepsi, ăn KFC hay McDonald, bầu cho Donald Trump hay Joe Biden… Tương tự như vậy, chúng ta tư duy về vấn đề bảo vệ môi trường theo kiểu mua ô tô chạy bằng xăng hay ô tô chạy bằng điện. Càng có nhiều người ủng hộ năng lượng tái tạo hơn, bàn tay vô hình của thị trường sẽ gạt nguyên liệu hóa thạch vào dĩ vãng. Và chúng ta hãy thử nghĩ tiếp xem, ai là những người được đi xe điện, sử dụng năng lượng điện gió và pin mặt trời đầu tiên? Những quốc gia nào sẽ tiên phong không khai thác khoáng sản nội địa và có lượng khí thải nhà kính thấp nhất thế giới? Và để trả giá cho ham muốn này, rừng già, dầu khí, than đá và chất bán dẫn ở những nơi đâu sẽ bị đào xới không kiểm soát? Không cần phải suy nghĩ quá nhiều để trả lời rằng người dân ở những quốc gia nghèo nhất và thiếu minh bạch nhất sẽ gánh phí tổn cho giấc mơ của những Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg.
Chủ nghĩa tư bản xanh (Green capitalism), tức là logic cho rằng có thể lợi dụng thị trường tự do để cải thiện môi trường và tảng lờ bất bình đẳng cấu trúc, là lý do khiến chúng ta mãi mãi chạy theo một giấc mơ “Tây phương hóa” hời hợt (Chichilnisky, 2019).
2. Mơ về một tương lai khả dĩ
Đi kèm câu chuyện chống biến đổi khí hậu luôn là bài toán dự phóng về một tương lai đẹp hơn để tiến về. Trong tưởng tượng của ý thức hệ phương Tây, dự phóng ấy rất rõ ràng, quả quyết và có tính chất chinh phục, vì họ cho rằng xã hội phát triển giống như một viên đạn bắn về phía trước, một thứ “chủ nghĩa tăng tốc (accelerationism)” cực đoan được tô vẽ bởi ảo tưởng duy trì ý thức nhân loại (human consciousness) mãi mãi. Nếu trái đất hết tài nguyên? Ổn thôi, chúng ta sẽ dùng công nghệ “sạch” để khai thác khoáng sản trên các thiên thạch tình cờ bay ngang qua bầu trời. Nếu môi trường sụp đổ? Ổn thôi, những người giàu có nhất sẽ di cư lên sao Hoả. Đối với tầng lớp tinh hoa toàn cầu, chống biến đổi khí hậu thật dễ dàng, vì nếu họ thất bại, Thượng đế sẽ cứu vớt họ đầu tiên. Họ tự đóng vai Thượng đế của chính mình.
Đối với phần còn lại của thế giới, tương lai không có gì giống với truyện cổ tích và phim khoa học viễn tưởng. Thậm chí, tương lai không thể được tưởng tượng ra.
Với những quốc gia ngập trong nợ công, người ta chỉ dám nghĩ về tương lai như một điểm quốc gia hết nợ, nền kinh tế được cải thiện và những doanh nghiệp khai khoáng ngoại quốc sẽ cuốn gói khỏi quốc gia của mình. Với những nơi từng là quốc gia vệ tinh, hay với từ ngữ chính xác hơn, là khu vực thuộc địa của Liên Xô, người ta bi quan hơn. Với những khủng hoảng nối tiếp nhau thời kỳ hậu Xô Viết, cùng nạn tham nhũng leo thang, có vẻ như những người cùng ứa trào nước mắt khi xem bộ phim “Goodbye, Lenin” sẽ phải gói ghém số phận của họ và đặt vào tay lãnh đạo của các quốc gia Tây Âu giàu có. Từ thời kỳ thuộc địa trở thành thời kỳ hậu thuộc địa, cuộc sống không thay đổi là bao. Có lẽ chỉ có một điểm tích cực là truyền thông tạo cho chủ nghĩa thực dân mới một khuôn mặt nhân từ hơn. Nhiều người cho rằng để tương lai có thể được nghĩ về, đầu tiên các mỏ khoáng sản cần được quốc hữu hoá thay vì để cho tư nhân ngoại quốc làm chủ. Nhưng với tình cảnh Hậu Xô Viết, khi nghe đến cụm từ “sở hữu công”, đại bộ phận công chúng sẽ nghĩ rằng lãnh đạo nước họ lại cuốn chiếu tư duy về thời kỳ 30 năm trước.
Luẩn quẩn giữa tranh chấp quyền sở hữu tài nguyên kho bãi đổ chất thải khai khoáng, dường như đối với người dân các nước phát triển, tương lai vẫn là những cánh đồng điện gió, điện mặt trời bạt ngàn, vẫn là xe điện và các chiến dịch thuộc địa hoá hệ mặt trời.
Nhưng, câu chuyện “cứu thế giới” phức tạp hơn rất nhiều sau sự lên tiếng của các nhà hoạt động môi trường người Colombia. Họ bảo, nghe rất vui tai khi châu Âu hiện thực hóa ước mơ năng lượng tái tạo và xe điện của mình, song để làm được vậy, các tập đoàn tư bản phương Tây lại bắt tay vào xâu xé các mỏ lithium và cobalt ở Nam Mỹ. Các mỏ này dĩ nhiên được đứng tên bởi một vài tỷ phú làm giàu bằng cách bắt tay với phương Tây. Những ngôi làng trăm năm bị di dời và san bằng vì nằm trên mỏ quặng. Dân tộc thiểu số mất trắng đất, vì nếu nhỡ mảnh đất ông cha của họ có nằm trên mỏ bán dẫn, thì ông cha không còn đủ cơ mà độ cho con cháu. Tệ hơn, dân bản địa ở Colombia không đối đầu với phương Tây về vấn đề môi trường, họ phải đối đầu trước với quân đội của... chính nước mình. Tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng trong 15 năm gần đây với sự xuất hiện của các nhà "tương lai học" phương Tây. Khi người dân nghèo đi, họ không còn quan tâm đến môi trường, cũng bớt quan tâm đến đất dần đi, mà đối phó trực diện với đói nghèo và bạo lực gia đình.
Một nhà hoạt động xã hội người Colombia nói một câu khiến tôi thấy cay đắng - Nói về tương lai ở nơi cô sống là một đặc quyền, đã lâu rồi không còn ai nghĩ về tương lai nữa. Điểm hụt hẫng lớn nhất của hội thảo, có lẽ là do thời gian không cho phép, ấy là các nhà hoạt động không nói được gì nhiều về vấn đề nữ quyền. Dù khi xâu chuỗi tất cả các bức tranh về khai thác khoáng sản và phá hoại môi trường ở các nơi trên thế giới, ta sẽ thấy người phụ nữ của “thế giới thứ ba” gánh chịu toàn bộ những áp lực hệ thống phía trên. Và khi đặt mọi mảnh ghép bên cạnh nhau, tôi dần nhận ra chiếc khung phân tích Marxist kiểu truyền thống chúng tôi được học trong hai ngày lý thuyết không đủ rộng để thấy toàn bộ thế giới.
3. “Bán cầu Bắc”, “Bán cầu Nam” và các cặp nhị nguyên đối lập
Có một điều khiến tôi cảm thấy không quá thoải mái khi nghe hội thảo này, cũng như nhiều diễn đàn hàn lâm khác, đấy là sự lạm dụng cụm từ “Bán cầu Bắc (Global North)” và “Bán cầu Nam (Global South)”. Cũng cần phải hiểu hai cụm từ này không ám chỉ hai thực thể địa lý tách rời nhau, mà ám chỉ sự đối nghịch về hệ tư tưởng gây ra bởi tình trạng hậu thuộc địa. Nhưng tư duy nhị nguyên kiểu này cũng dễ dẫn đến quan niệm sai lầm rằng nếu như phương Tây là “xấu”, thì hẳn những hệ tư tưởng đối nghịch ở Nga, Trung Quốc và Iran là “tốt”.
Nghĩ về các mối quan hệ quyền lực, ta hay nghĩ đến hai thuật ngữ “trung tâm (centre)” và lề (periphery)”. Kẻ mạnh thường chiếm giữ vị trí trung tâm trong các diễn ngôn đại chúng, còn kẻ yếu bị đẩy ra ngoài lề. Sẽ là quy giản vấn đề khi nói ai có dính dáng đến phương Tây cũng là kẻ ở trung tâm, và ai đối đầu với phương Tây cũng bị lề hoá. Nói như vậy thì không khác gì cho rằng ở Tây Âu và Bắc Mỹ không còn người nghèo, và chủ nghĩa tư bản thì không tồn tại bên ngoài phương Tây.
Joey Ayoub (2021) phản đối sự phân biệt nhị nguyên giữa “Bán cầu Bắc” và “Bán cầu Nam” trong bài viết The periphery has no time for binaries. Ayoub cho rằng tầng lớp tinh hoa ở tất cả mọi nơi trên quả địa cầu, bất kể họ theo phương Tây hay chống phương Tây. Tương tự, những nhóm bị lề hóa cũng ở mọi nơi. Những nhóm lợi ích theo đuổi mục tiêu Tây phương luận (Occidentalism), để đối đầu với Đông phương luận (Orientalism), tức là chĩa mũi dùi thù ghét vào phương Tây để tạo thẩm quyền tồn tại cho chính mình không nhất thiết phải đứng về kẻ yếu. Rất có thể họ chỉ lợi dụng sự thù ghét tạm thời của công chúng trung lưu trở lên đối với chủ nghĩa tư bản để giành giật quyền lực, để trở thành một phương Tây thức hai.
Marx nói, “Công nhân thế giới đoàn kết lại!” Câu nói này cho đến ngày hôm nay vẫn đúng và không thể nào đúng hơn, đặc biệt là khi từ “công nhân” được thay thế bằng “kẻ ngoài lề”, “kẻ không có (the not-haves)”, “kẻ yếu”. Suy tư lớn nhất của tôi sau khi nghe tâm tư và cả bế tắc của các nhà hoạt động môi trường thế giới đấy là, chúng ta có thể quy giản sự phức tạp của thế giới này thành truyện cổ tích và văn hoá showbiz, với người lương thiện và kẻ thủ ác, với fan và anti-fan? Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh then chốt, nhưng không phải cuộc đấu tranh duy nhất. Chủng tộc, văn hoá, sắc tộc, căn tính giới cũng quan trọng tương tự như giai cấp. Vì kẻ yếu không bao giờ chỉ đeo trên mình một chiếc gông duy nhất.
Tới đây, có lẽ tôi đồng ý với Antonio Negri và Michael Hardt (2006) viết trong cuốn “tuyên ngôn cộng sản của thế kỷ 21” - Empire (Đế Quốc) - khi nói rằng khi chủ nghĩa tư bản lan tỏa trên toàn cầu như nấm sau mưa, mọi căn tính đã bị cạo nhẵn, chỉ còn lại người giàu và người nghèo. “Giàu” và “Nghèo” ở đây đã bị quy giản thành vấn đề kinh tế, dù ta cần phải hiểu trên cả các phương diện chính trị, văn hoá, xã hội. Chúng ta không thể áp đặt góc nhìn nhị nguyên vào hoạt động xã hội và các công việc “thay đổi thế giới” khác, mà nên nhìn cuộc chiến đấu giữa người với người dưới lăng kính giao thoa và phân sinh rễ (rhizomic): một nữ CEO gốc Á ở phương Tây có thể bóc lột hàng chục ngàn công nhân của cổ ở châu Phi và Nam Á, và bản thân cổ vẫn có thể chịu áp bức từ một người chồng da trắng. Tình thế éo le và phức tạp của quyền lực thời đại toàn cầu hoá là thứ có lẽ những đầu óc vĩ đại nhất của giới triết học phương Tây một thế kỷ rưỡi trước không thể tưởng tượng ra. Nhưng bức tranh này cũng không khác gì mấy so với việc vẫy lá cờ năng lượng tái tạo để cứu thiên nhiên và đồng thời cướp bóc tài nguyên của các nước nghèo.
Nếu chỉ cần đấu tranh giai cấp thuần tuý để vượt qua chủ nghĩa tư bản thì có lẽ khoá học 3 ngày của chúng tôi không cần tồn tại. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn ngồi đây, viết và suy ngẫm về nó, vì câu hỏi cần phải đặt ra là 'ta đang đấu tranh cho ai?’
Tài liệu tham khảo
Ayoub, J. (2021, May 25). The periphery has no time for binaries. Lausan. https://lausan.hk/.../periphery-has-no-time-for-binaries/...
Chakrabarty, D. (2000). Provincializing Europe: Postcolonial thought and historical difference. Princeton University Press.
Chichilnisky, G. (2019). GREEN CAPITALISM. Journal of International Affairs, 73(1), 161–170. https://www.jstor.org/stable/26872786
Hardt, M. & Negri, A. (2006). Empire. Harvard University Press.
Gamble, A. (2009). The Western Ideology. Government and Opposition, 44(1), 1–19. http://www.jstor.org/stable/44484162
Thông tin
Tác giả: Vũ Hoàng Long - Người Kể Chuyện
Xuất bản: 2022-01-05
Số trang: 12
Tải về: Bản tiếng Việt